Nghề Tester ở Việt Nam hiện nay không còn quá mới. Song, liệu có phải những người trong nghề Tester ngay từ ban đầu đã biết lựa chọn con đường sự nghiệp tương lai đúng dành cho chính mình?

Vậy Tester là gì?

Và bước đi sao cho đúng nghề Tester mà bạn đang theo đuổi?

Trong chuyên mục “Góc chuyên ngành”, hãy cùng lắng nghe chia sẻ của 2 nhân viên kỳ cựu gắn bó 10 năm với nghề tester để tìm hiểu về:

  • Nghề Tester là gì?
  • Tiêu chí phù hợp để trở thành một Tester.
  • Lời khuyên dành cho các fresher chuẩn bị hành trang vào nghề.

Tiểu sử:

Tiền bối đầu tiên – Chị Nguyễn Thị Kim Oanh đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong ngành Software Testing và trải qua nhiều vai trò Process Quality Assurance (PQA), Manual Tester, Test Lead tại các công ty công nghệ. Chị Oanh hiện đang là Sub – Leader nhóm Tester tại DTS Software Việt Nam.

(Chị Nguyễn Thị Kim Oanh – Sub Leader)

Nhân vật thứ 2 của buổi chia sẻ này – Chị Nguyễn Thị Hằng đã có gần 9 năm kinh nghiệm trong ngành, hiện đang là Chuyên viên Kiểm thử phần mềm và dẫn dắt nhóm Tester gồm 5 thành viên của DTS Software Việt Nam.

(Chị Nguyễn Thị Hằng – Senior Tester)

Cơ duyên nào đã đưa các chị đến với ngành Testing?

Chị Oanh: Tại thời điểm khi chị còn ngồi trên ghế nhà trường, ngành Testing chưa có một ngôi trường nào trực tiếp giảng dạy chuyên sâu. Khi đó các bạn học chuyên ngành công nghệ thông tin có thể lựa chọn một trong hai con đường đi cho mình, một là làm lập trình viên (hay gọi là Dev), hai là nhân viên kiểm thử sản phẩm (hay còn gọi là Tester).

Để làm một lập trình viên giỏi cần phải biết nhiều ngôn ngữ và giỏi ít nhất một ngôn ngữ trong số đó. Tuy nhiên, khi còn đi học chị nhận thấy bản thân mình phù hợp hơn với nghề Testing, nên đã định hướng luôn cho công việc trong tương lai là trở thành Tester, dù 1 năm đầu tiên sau khi ra trường, chị chưa bén duyên với nghề Tester ngay đâu, mà chị làm quản lý quy trình phần mềm (PQA).

Chị Hằng: Còn chị cũng xuất thân từ một người học chuyên ngành công nghệ thông tin. Lúc còn đi học cũng vừa học, vừa tìm hiểu xem bản thân phù hợp với công việc nào sắp tới. Chị bắt đầu tìm hiểu về nghề Testing và cũng nghe mọi người bảo con gái học công nghệ thông tin sau làm Tester sẽ có cơ hội phát triển rộng mở. Vì sự tò mò, hiếu kỳ về nghề và cũng thấy phù hợp với bản thân nên chị đã lựa chọn nghề Testing sau khi ra trường.

 Có một số quan điểm cho rằng” Tester là nghề đơn giản, ai cũng có thể làm được”. Các chị nhận định gì về quan điểm này?

Chị Oanh: Quan điểm đó không hẳn đúng. Vì công việc nào cũng có phần đơn giản và phần phức tạp. Nếu bạn không có chuyên môn, thì chỉ như cái máy đảm nhận những phần công việc đơn giản mà chẳng hiểu bản chất công việc như thế nào. Mà những công việc đơn giản thì cả người trong hay ngoài ngành chỉ cần hướng dẫn sơ qua là ai cũng làm được.

Chị Hằng: Đúng vậy. Trong ngành có những thuật ngữ riêng, học đúng chuyên ngành thì mới có thể đọc hiểu được chuyên sâu tài liệu, phân tích được nghiệp vụ. Đặc biệt là những nghiệp vụ dùng trong database hay SQL.

Vậy tiêu chí để trở thành một Tester là gì?

Đầu tiên là khả năng nắm bắt nhanh, biết cách đọc, phân tích nghiệp vụ tốt. Kiểm thử phần mềm cho bạn cơ hội để sử dụng khả năng sáng tạo, phân tích để tìm ra những thứ mà người khác không thấy được.

Thứ hai đó là phải cẩn thận, tỉ mỉ. Để test hiệu quả, nâng cao chất lượng của sản phẩm đến mức tối ưu thì sẽ cần đến khả năng này của một tester.

Cuối cùng là phải kiên trì với công việc. Nếu không kiên trì thì rất khó để theo được nghề, vì công việc kiểm thử phần mềm nhiều khi lặp đi lặp lại. Việc lặp đi lặp lại đó lại giúp cho khả năng phân tích và sáng tạo của bạn được nâng cao hơn. Bạn sẽ cảm thấy thú vị với thách thức đó. Bạn phải nghĩ khác những việc và các tình huống mà người khác không nghĩ tới vì nếu các bug dễ nhìn thấy thì nó đã không tồn tại.

Khó khăn lớn nhất mà các chị gặp phải là gì?

Chị Hằng:  Khó khăn lớn nhất mà bất kỳ Tester nào cũng gặp phải đó là cách xử lý các mối quan hệ khi làm việc. Việc giao tiếp giữa Tester và Dev sao cho công việc thuận lợi mà vẫn dĩ hào vi quý. Vì nhiều khi đứng trước bug, Dev lại không chịu nhận hoặc không chịu fix dù Tester đã tìm đủ cách để chứng minh mình đúng. Nhưng cũng có lúc không phải Tester đã đúng hoàn toàn. Nên tùy từng môi trường, tùy từng dự án mà Tester cần giao tiếp một cách tinh tế để xử lý công việc một cách tốt nhất.

Chị Oanh:  Với chị thì có lẽ định hướng công việc sẽ là việc khó khăn nhất. Có thể mình rất thích công việc Tester nhưng chưa chắc đã phù hợp với nghề. Có khi làm một thời gian, công việc không như tưởng tượng lại chán, lại bỏ nghề. Vậy nên nếu chưa có định hướng, có thể dành 1 năm đầu tiên khi ra trường để thử sức, xem xét năng lực của bản thân cũng như sự phù hợp với nghề tới đâu để lựa chọn.

Con đường sự nghiệp của một tester sẽ như nào?

Tester có rất nhiều con đường đi, có thể 4 hướng thăng tiến mà các bạn có thể hướng tới.

Nếu đi theo hướng technical (testing technical), thì có thể đặt mục tiêu trở thành BA (Business Analyst). Quá trình làm tester sẽ giúp rèn luyện kiến thức và kỹ năng của BA. Đặc biệt là kỹ năng phân tích, kỹ năng giao tiếp và có nhiều kiến thức khác nhau. Các tester muốn theo hướng này nên trau dồi thêm vốn tiếng anh, vì BA sẽ làm việc tại thị trường tiếng anh nhiều hơn các thị trường khác.

Con đường thứ 2, nếu các bạn muốn chuyên sau về Tester thôi. Thì có thể theo hướng từ fresher tiến lên chuyên viên rồi lên Tester Lead và cuối cùng là Tester Manager.

Hướng đi thứ 3, nếu bạn thấy mình có các tư duy thiên về quản lý, điều phối công việc và ngoại ngữ tốt, đặc biệt là tiếng Anh thì bạn có thể hướng tới PM (Project Manager) để phát triển sự nghiệp.

Cuối cùng, khả năng giao tiếp tốt cộng thêm vốn ngoại ngữ cũng như kiến thức chuyên ngành sâu rộng. Bạn có thể vạch con đường theo ngã rẽ khác, chuyển qua làm BrSE.

Nghề Tester có “nhàn” như mọi người nghĩ không? Ý kiến của các chị về quan điểm này như thế nào?

Tất nhiên công việc nào cũng sẽ có lúc này lúc kia. Tùy từng dự án, từng môi trường khác nhau mà khối lượng công việc cũng khác nhau. Nếu như công ty đã có quy trình cho từng công việc thì tất nhiên, khối lượng công việc cũng sẽ được phân đều cho từng thành viên.

Còn nếu một công ty chưa có quy trình làm việc rõ ràng, thì việc Tester kiêm nhiều công việc cũng như khối lượng công việc dày đặc cũng là chuyện bình thường. Có khi tester vừa test, vừa viết hướng dẫn sử dụng phần mềm, vừa trao đổi với khách hàng và lại còn phải mang tài liệu qua công ty khách hàng để hướng dẫn nghiệp vụ.

Các chị có lời khuyên nào cho các bạn Tester?

Chị Oanh: Các bạn Tester đang và sắp bước chân vào ngành testing đừng nghĩ công việc Tester đơn giản, ai cũng làm được. Vì khi nghĩ như vậy, các bạn chỉ có thể làm các nghiệp vụ đơn giản, chỉ đâu làm đấy thôi. Chứ nghiệp vụ chuyên sâu hơn lại không thể xử lý, như vậy tự đánh mất cơ hội thăng tiến cho mình.

Vì vậy, dù có học đúng ngành hay trái ngành thì đừng có ngại khó, ngại khổ. Vì cái khó đã có người hướng dẫn, cái khổ cũng có người khổ luyện, chỉ bảo cùng. Các bạn nên tự luyện tập các kỹ năng cần thiết, nâng cao khả năng tự học hỏi của bản thân.

Như ngày trước, dù đã có kinh nghiệm nhưng những tháng đầu mới vào DTS Software Việt Nam, có những hôm cũng làm việc tới 7 – 8h tối để học hỏi thêm về nghiệp vụ. Như vậy mới có thể bắt kịp được tiến độ của dự án, cũng như trau dồi thêm những kiến thức khác phục vụ công việc.

Chị Hằng: Ngoài những yếu tố mà chị Oanh đề cập, chị nghĩ các bạn cũng đừng sợ áp lực công việc. Công việc nào cũng có áp lực, nếu sợ áp lực, sợ OT thì sẽ khó để cải thiện kiến thức chuyên môn.

Các bạn cũng đừng giới hạn sự sáng tạo bằng các yêu cầu của khách hàng. Nên sử  dụng tối đa khả năng phân tích, đặt câu hỏi khi đọc tài liệu của khách hàng để có thể tìm ra các lỗi sai khác nhau. Như vậy sản phẩm được tối ưu hóa và trở nên hoàn hảo nhất. Đặc biệt, nghiệp vụ của các bạn cũng được chuyên sâu, đúc kết nhiều hơn qua từng thách thức mới.

Cảm ơn chia sẻ của 2 chị về nghề Tester. Hi vọng với bài viết ngắn này sẽ giúp cho các DTSers hiểu thêm về công việc mà các chị đang thực hiện, đồng thời cũng giúp cho các bạn Tester mới chập chững vào nghề sẽ có những bước đi đúng đắn trong định hướng công việc của mình. Xin chúc các chị sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong công việc được mệnh danh là “những người gác cổng thầm lặng”.